Chỉ một vài thay đổi nhỏ cũng có thể giúp Coca-Cola thúc đẩy doanh số bán hàng. Sau nhiều năm tổng hợp thông tin về xu hướng tiêu thụ đồ uống, Giám đốc điều hành của “gã khổng lồ” Coca-Cola đã thông báo rằng ông đang rất lạc quan về doanh thu của Diet Coke (Dòng sản phẩm nước có ga, không đường dành cho người ăn kiêng).
Theo đó, Coca-Cola đã đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư trong báo cáo lợi nhuận hàng quý và ghi nhận tăng trưởng hai con số một phần nhờ vào dòng sản phẩm đồ uống cho người ăn kiêng.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn thành công hàng quý ngắn hạn chính là nhóm người đang tiêu thụ Diet Coke: những người trong độ tuổi từ 20 tuổi đến 30 tuổi. Thống kê cho thấy giai đoạn gần đây, họ có xu hướng hướng tới những loại trà và đồ uống lành mạnh hơn. Trên thực tế, Giám đốc điều hành James Quincey tiết lộ tất cả là nhờ kế hoạch marketing của công ty.
Công ty đã tạo ra dòng đồ uống dành cho người ăn kiêng với nhiều mùi vị mới như anh đào, gừng chanh, xoài…và thay đổi bao bì sản phẩm có màu sắc tươi sáng hơn. Điều này đã khiến người mua tò mò về hương vị cũng như hứng thú với diện mạo mới của những lon Diet Coke.
Giám đốc điều hành Quincey cho biết: “Kết quả là tăng trưởng về doanh thu và khối lượng. Tuy không phải ai thuộc thế hệ này cũng biết đến Diet Coke nhưng có lẽ nhờ chiến lược marketing hợp lý của chúng tôi, họ đã tìm được một loại đồ uống có hương vị mới lạ và lành mạnh hơn so với một số sản phẩm chứa nhiều đường khác”.
Đây là một tín hiệu đáng mừng trong thị trường nhiều tính cạnh tranh như hiện nay. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng đang có xu hướng quan tâm tới những gì họ nạp vào cơ thể, đặc biệt là lượng đường chứa trong thực phẩm. Một điểm cần lưu ý khác chính là chính trị thương mại toàn cầu đang tác động khiến chi phí sản xuất của các công ty ngày một gia tăng.
Dữ liệu nghiên cứu cho thấy các công ty sản xuất đồ uống có mức tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm trong giai đoạn đầu những năm 2000. Tuy nhiên, đến năm 2007, tỷ lệ này đã…biến mất và thậm chí còn có xu hướng tiếp diễn trong một thập kỷ tới.
Ngoài ra, số liệu theo dõi còn chỉ ra rằng đến năm 2016, người dân Mỹ đã tiêu thụ nước đóng chai nhiều hơn đồ uống có ga. Năm 2007, Coca-Cola bán được hơn 14 tỷ lít nước ngọt có ga nhưng đến năm 2016, con số này đã giảm khoảng 18% còn hơn 11 tỷ lít.
Ngay cả khi doanh số bán hàng của Diet Coke có xu hướng tăng lên thì công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục nỗ lực để đa dạng hóa sản phẩm của mình. Ở thời điểm hiện tại, họ đang tập trung vào mảng cà phê.
Tháng 8 vừa qua, Coca-Cola thông báo họ đã chi 5 tỷ USD để thâu tóm chuỗi cửa hiệu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới là Costa Coffee. Cà phê đang dần trở thành một sản phẩm ngày càng phổ biến trên khắp các lục địa và thường được ca ngợi là có lợi cho sức khỏe, điều được coi là điểm yếu của nhiều loại đồ uống có đường.
Giám đốc Quincey chia sẻ: “Đồ uống nóng là một trong những sản phẩm mà chúng tôi chưa sở hữu thương hiệu mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, Costa Coffee sẽ giúp Coca-Coca tiếp cận với thị trường tiềm năng này bằng nền tảng kinh doanh vững chắc”.
*Nguồn: Trí Thức Trẻ